Văn hóa- Xã hội
VỆ SINH MÔI TRƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH MÙA MƯA LŨ
Hiện nay đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ trong năm. Mưa, lũ đến mang theo nhiều mối nguy hại đến sức khỏe như ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh, tai nạn đuối nước, điện giật, v.v.
Để đảm bảo nước sạch, phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường, góp phần phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe, người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân, v.v, theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
- Thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó;
- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
- Tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
- Trong mùa mưa bão, hệ thống điện dễ hỏng, rò rỉ điện theo nước mưa. Vì vậy, chúng ta cần phải đặc biệt cẩn thận, phòng tránh và trang bị kĩ năng sơ cứu tại chỗ để tránh tai nạn đáng tiếc khi bị điện giật.
- Chuẩn bị áo phao, phao bơi, thuyền nhỏ, v.v, trang bị kỹ năng bơi lội, đặc biệt tại những vùng dễ bị ngập nước, để phòng trường hợp nước ngập không di chuyển được, giảm nguy cơ đuối nước.
- Kịp thời phát hiện và báo với chính quyền địa phương khi phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn, v.v./.